Montag, 19. März 2012

Công thi Abitur

Công yêu của Mama !
    Hôm nay Công thi Abitur (giống như thi Đại Học ở Vn). Tối hôm qua Má cảm xúc dạt dào muốn viết cho con nhưng muốn đợi đúng ngày hôm nay mới viết. Thoắt cái Công Chông Bông sắp thành Student rồi. Má thật sự hạnh phúc khi nghĩ về con. Công của Má suy nghĩ lớn trước tuổi nhưng động thái thì như trẻ con, thật là ngộ. Má thì chẳng nhận ra điều đó cho đến cái hôm đi chơi ngoài trung tâm Stuttgart, Thành bỗng dưng lắc đầu như 1 ông già và nói : " Sẽ không ai nghĩ nó 18 tuổi " (Thành nói bằng tiếng Đức), Má không hiểu ý Thành nên hỏi, con nói ai, Thành trả lời bằng tiếng Việt : Cái thằng đó đó (tiếng Việt của Thành chỉ có tới đó thôi) Hả, vì sao ?- Lại tiếng Đức- Má không thấy sao, nó chạy tùm lum nhìn cái này xem cái kia như là 1 đứa bé. Ừ nhỉ, Công đang chạy từ cửa kiếng nọ sang cửa kiếng kia như 1 đứa bé lâu ngày không được ra phố. Với cái dáng tồng ngồng cao 1m80 của con nhìn cũng hơi tức cười, nhưng sao trước đó 1 phút Má không nhìn thấy nhỉ, chắc tại Má yêu Công quá thôi, chẳng thấy cái gì buồn cười nơi con cả. Mấy tháng nay do học thi thức khuya Công bị nổi mụn trở lại quá sá quà sa, không còn 1 chỗ trống trên mặt, nhìn con học bài miệt mài yêu quá nên hun con 1 cái lên má, Công nói: Má ghê cái mặt con lắm mà, đâu có, Má đâu có ghê, Má hun lên mấy cái mụn của con cũng được luôn mà, đâu có ghê. Hehehe, trừ 2 anh em con ra chắc Má không thể hun lên cái mặt mụn của ai khác đâu, kể cả Papa của con.
   Hôm nay khi con về, nhìn sắc mặt của con Má đoán con làm bài chắc là tốt. Con cười với Ba Má, trả lời các câu hỏi của Má có nghĩa là OK. Ngày mai con thi Toán, cái môn mà con thiếu tự tin nhất, Má mong cho con mọi việc suôn sẻ. 
   20 März 2012
   Hôm nay Công thi Toán, có 2 bài không làm được, "môn Toán con chỉ mong 10 Punkte thôi chứ không bao giờ con được 15 (Punkte)" hihi, con vừa nói vừa cười như chẳng có gì phải lo lắng khi không làm hết bài. Má ủng hộ con, 10 điểm môn Toán đv con là ok rồi.
   22 März 2012
   Cuối cùng thì kỳ thi viết cũng qua, thở phào nhẹ nhõm. Tới tháng 6 mới có kết quả. Con còn phải vượt qua kỳ thi "nói" môn tiếng Anh và tiếng Pháp nữa. Chúc con đạt được kết quả như mong muốn.

                                                                                      MamaPKO


PS: Con đọc không hiểu chỗ nào thì hỏi nhé.

Freitag, 27. Januar 2012

Suy nghĩ...

Bài này của chú Hạ Đình Nguyên, cựu Thủ lĩnh Sinh viên Sài gòn, không ngờ năm nay chú đã 70 tuổi, BBC hôm qua đăng 1 bài của chú rất hay, giữ lại làm vốn để khi muốn đọc khỏi đi tìm lung tung.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/01/120126_party_renovation.shtml

Suy nghĩ về đổi mới Đảng


Trước Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam
Tôi viết những lời này cho một người bạn, nhưng cũng là cho những người, và nhiều người có suy nghĩ giống bạn của tôi.

     Quan hệ trong cuộc đời mênh mông mà chằng chịt, giữa lý và tình, lớn và nhỏ, chung và riêng, sau và trước. Lại có đủ ngũ vị, như một đĩa sà lách trộn trong các quán ăn…
Tôi tin là anh ăn được các món trộn, nhưng anh không hiểu rõ và không trực tiếp trộn được. Lại nữa, anh không biết người ta trộn cách nào.
Đặc biệt là những món hơi trừu tượng, trong tình trạng hỗn mang khó kiểm soát của nhiều thực phẩm ô nhiểm.
Anh nói rằng nhân quyền và ổn định chính trị có mối quan hệ hữu cơ. Đúng y là trong sách có nói vậy, nhưng dừng lại đây là không được.
Cái nào là chính, cái nào là phương tiện? Cái nào phải theo cái nào?
Anh lại cho rằng, nhân quyền hiện nay đang là một loại vũ khí đấu tranh của kẻ xấu nhằm lật đổ hay gây bất ổn cho nền cai trị.
Điều ấy là rất có thể.
Nhưng anh lại đem đổ ụp đĩa rau muống xào tỏi vào đĩa sà lách trộn mất rồi, làm sao ăn đây?
Kẻ xấu đã nhân danh nhân quyền, thế kẻ tốt nhân danh cái gì? Tránh nói nhân quyền, quay ra ủng hộ cái ổn định chính trị? Nai xào lăn, hay heo giả cầy, chẳng còn phân biệt được nữa!
Anh giao ngọn cờ chính nghĩa cho kẻ xấu nắm và anh nã pháo vào đó? Cái ổn định thật là bất ổn định!
Sự bộc phát thụ động nhưng không bất ngờ ở Tiên Lãng với ông Vươn - Hải Phòng có tính tiêu biểu về nền tảng, không bao lâu sau lời phát biểu tự kiểm điểm khá hoành tráng trong toàn Đảng của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Tâm lý trùm chăn

Khởi đi từ chính nghĩa giành lại Nhân quyền, nay bỗng dưng vô tình quay lại khủng bố “nhân quyền” , thay vì cố công xây dựng, vun bón cho nó phát triển. Có sợi tóc nào vướng ở đây trong cái gọi là biện chứng?
Anh luyến lưu con suối có tiếng róc rách dưới ánh trăng mà dùng dằng chẳng chịu chảy ra sông, mà đại dương thì cũng rất gần. Không ra cũng được, thì cứ ở lại trong ao hồ. Nhưng không ai có thể ngăn được dòng chảy của con sông!
Anh không đọc, không nghe, không thấy mà chỉ “vững vàng về chính trị, tư tưởng…” theo như cách TBT Trọng nói, thì không khác như người đã trải chiếu, trùm chăn mà ngủ, gọi đó là kiên định, vững vàng, giữ chắc mí chiếu, mí mùng. Nếu có tiếng động nào làm trở giấc, thì anh hãy “hé” chăn mà nhìn, xin đừng lên tiếng. Bởi lên tiếng thì không thể trùm chăn, anh ạ, vì trong chăn, chỉ có bản năng thôi, chứ không có chân lý.
Vì lẽ, cơn gió của thời “nguyên phong” nay chẳng để lại gì, có gì chăng thì cũng vừa đủ cho anh nhâm nhi với rượu Bầu Đá là cùng, còn dư đến ai! Quá lắm, thêm nữa, là vài chiếc ghế vội vàng cho con cái, có vậy thôi.
Cho nên giới trẻ đã quay lưng. Cũng phải lắm, có còn lại gì cho nó đâu?
Vả chăng, cái khẩu vị cũng đã khác lắm rồi. Cái món nhắm nầy đã cũ, đã quá nặng mùi. Buổi tiệc đã tàn, chỉ còn lại ngổn ngang chén bát sứt mẻ, một thứ gia tài nát bét, te tua và nợ nần chồng chất, bụi bùn “lạc hậu” phủ đầy từ chân tới đầu, cả tai, cả mắt.
Kẻ no say hả hê cười với nước da láng màu hãnh tiến. Giới trẻ bây giờ thì co giò chạy táo tác khắp năm châu bốn biển để tìm dưỡng khí, để tị nạn các kiểu, chạy để kiếm ăn, để tìm đất thở, để tìm tri thức mới. Chạy như tránh bão, chạy với thân phận bần cùng, chạy như bị bọn sai nha cầm dao và mã tấu đuổi sau lưng.
Thời “nguyên phong” quả là một bản “anh hùng ca” của lịch sử dân tộc, nhưng càng ca, càng thấy xé lòng.
Anh thật sự không thấy như vậy sao? Thật đi!
Lỡ mai kia có chuyện can qua, vì phải bảo vệ Tổ quốc, các lão ông hẳn không còn đủ sức để nâng nổi cây AK47. Ngồi đấy, nhưng vẫn còn mắt nhìn, lỡ mà không nhìn được như cụ Đồ Chiểu, thì trí vẫn phải sáng, vẫn phải có một tâm thế vững vàng, không chọn hướng sai mà vùi thây con cháu một cách oan uổng, dìm dân tộc trở lại một nghìn năm bóng tối…

Chuyện gần chuyện xa

Nhìn gần thì nhột, vờ vờ cho qua, nhìn xa xa dễ nói.
Chỉ còn hai nơi: Bắc Triều Tiên thì nói gì nữa, ai ai cũng hiểu, gắng gượng lòng bảo lòng, rằng mình không như thế.
Liếc sang Trung Quốc, tiếng kêu la, nhầy nhụa máu me ở Thiên An Môn còn rành rành, tiếng thét đau đớn từ sự tra tấn của một số ( không ai có thể biết đích xác) trong một trăm triệu người của môn dưỡng sinh Pháp Luân Công, từ 2009 đến nay chưa chấm dứt, nội tạng tươi roi rói có thể cung cấp khắp thế giới cho ai cần…
Những vụ cướp đất, những vùng nô lệ kín, những trại giam bí mật, trấn áp và tham nhũng, vơ vét… Một hệ thống kèm kẹp với nhiều loại hình, đầy đủ các sắc màu.
Ta có cái nhìn với độ lệch từ tâm điểm, nên mặt trăng hóa thành mặt trời. Ta có điều gì na ná cùng một công thức. Công thức ấy đẫm máu, nhân loại đang nhìn vào, đang nguyền rủa và ghê tởm.
TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng
Hội nghị Trung ương 4 vào tháng 1/2012 bàn về chỉnh đốn Đảng


Lại có người sẽ nói, ta không giống như Trung Quốc.
Đúng thế, bọn cầm quyền Bắc Kinh đang kích động dân tộc họ theo chủ nghĩa Đại Hán, để an dân, để che cái ác của chúng. Ta có khác, chỉ vì ta không dám!
Nói “Dân chủ” thì sợ “Nhân quyền”, nói “Độc lập” thì ngại “Bành Trướng”, nói lý tưởng Chủ nghĩa thì nghẹn ngào không đủ lý, nên ta loanh quanh mấy chữ vô nghĩa “định hướng", "diễn biến hòa bình", "tư bản giẫy chết", "kẻ xấu” không gọi được rõ tên…,
Ta lấy cái mơ hồ làm luận thuyết để nói năng, lấy bọn giang hồ làm điểm tựa.
Thân phận ta, vốn anh hùng, nay như con cá trong hồ xi măng, tạm đủ no và đủ ấm, vì có thằng bé rải cám cho, ta cứ đùa chơi với rong rêu tôm tép.
Hãy hài lòng đi, với những ngày quá khứ vất vả rủi may, đừng nghĩ gì thêm về con cháu, tạm dối gian một chút để yên lòng, bỏ qua cái nhân văn mà ta lỡ biết, dứt khoát quên đi những lời mà ta hưng phấn nói năng cạn cợt một thời, dù rằng ta đã hết lòng vì tin đó sẽ là sự thật.
Quá khứ không gì ân hận, nhưng hiện tại và tương lai, cái gì đang đáng để đón chờ ? Không vì một mảy may kích động của ai, không vì một kiếm chác mẩu bánh nào, cũng không đi tìm một tiếng vỗ tay đông hơn. Nhưng khó mà ỡm ờ cho mình là kẻ vô can.
Nhớ trong sách cũ, nhắc chuyện Khang Hy tự răn mình bằng câu khắc trong bồn tắm :
“Nhựt tân, nhựt tân, hựu nhựt tân”.
"Ngày mới, ngày mới, lại ngày mới" - đâu phải chỉ có ngày qua, đâu chỉ làm mới (sạch) thân xác bằng cách tắm mỗi ngày, mà không làm mới tinh thần, trí tuệ?

Bản lĩnh đổi mới

Quá khứ là vẻ vang, ta không hề phải sợ hãi, nhưng hiện tại phải xoay chiều ống ngắm, để biết rõ cái xấu và cái tốt, cái lạc hậu phải từ bỏ, cái cấp thiết mà toàn dân phải vươn mình tới…
Chữ Thời là một phạm trù phức tạp. Kẻ ti tiện thì bằng cách ti tiện mà nhặt nhạnh, gom góp lợi ích cho mình, hùa gió mà bẻ măng, càng nhiều càng tốt. Chữ Thời của kẻ Sĩ, của người lo cho dân cho nước thì phải khác.
Cũng chữ Thời mà Minh Trị Thiên Hoàng đưa nước Nhật tiến lên văn minh phát triển, trong khi Nhà Nguyễn, vì hướng tầm nhìn về “Bắc Quốc” mà phải ngậm ngùi ký Hiệp Ước đầu hàng Patenôtre, khởi đầu cho cuộc lệ thuộc, để sau đó Dân tộc phải đánh đổi một trăm năm xương máu.
Cũng chữ Thời mà Hồ Chí Minh và Dân tộc có mùa thu 1945, có Tuyên Ngôn Độc Lập ,và Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mang tầm nhìn sống động của Thời đại.
Nhắc lại một câu nói của Hegel, cái gì hợp lý thì tồn tại, cái không hợp lý thì không tồn tại.
Đúng như vậy, tự “nó” đã chứng minh, “nó” đang trên đà không còn hợp lý nữa. “Nó” đã hoàn thành một giai đoạn lich sử. Kéo lê thêm nữa chỉ là thêm những tháng ngày thoái hóa và đến điểm di căn.
Điều tích cực nổi bật của ngài TBT Nguyễn Phú Trọng là nói về tiêu cực của Đảng CSVN. Ngài đã dũng cảm, vì giữa những người không dũng cảm, đã nói lên sự thật hiển nhiên, bình thường trong bối cảnh không bình thường mà ở đó có người không biết, không dám, không muốn, hoặc thậm chí muốn che dấu sự thật.
Nhưng ngài TBT đã sai lầm một điều căn bản.
Ngài đã nói lên sự thoái hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý chí, trách nhiệm, tri thức…trong cán bộ và trong Đảng, rải đều các cấp. Ngài đã kêu gọi họ phê bình, tự phê bình, tự giác ngộ để sửa đổi.
Ngài quy lỗi cho cá nhân là một tư duy không khoa học. Có cán bộ nào mà không do Đảng bố trí cất nhắc? Có Đảng viên nào mà không do Đảng rèn luyện, từ khi họ là quần chúng tích cực, yêu nước, được đưa vào Đoàn TNCS, đưa vào Đối tượng Đảng, rồi trở thành Đảng viên, trở thành cấp ủy ở các cấp, có tổ Đảng, có Chi bộ theo sát kèm cặp và đào tạo? Tổ chức Đảng thì có đủ ban bệ : Tổ chức, Thanh tra, Kiểm tra, Văn hóa, Tư tưởng, có cả Trường lý luận chính trị, từ địa phương đến trung ương, rõ ràng không thiếu.
Không một kẻ ở phương xa nào có thể bố trí họ vào đây, hay họ đã tự thay máu cho mình lúc nào mà Đảng không biết?
Việc kêu gào chỉnh đốn Đảng đã từng diễn ra mấy mươi năm, kết quả vẫn thế nếu không muốn nói tệ hơn. Câu trả lời nằm ngay ở huyệt đạo, bằng từ ngữ rất bóng bẩy : “Lỗi hệ thống”.
Người Cộng sản Việt Nam đã đứng lên từ vũng máu, vì khát vọng Độc lập Tự do của Dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng nói: "Độc lập mà Dân không hưởng được Dân Chủ, Tự Do… thì Độc lập chẳng có nghĩa gì".
Lấy hạnh phúc của nhân dân làm cứu cánh, lấy dân chủ, nhân quyền làm mục tiêu, lập tức Đảng sẽ được thay máu.
Phải là một Đảng với cương lĩnh mới, hợp lý cùng thời đại, với sự cộng hưởng của toàn dân, mới là nền tảng vững chắc đưa đất nước đi lên, nhưng không phải “đi lên” theo hướng nào khác, mà về hướng Độc Lập, Dân Chủ, để biến ước mơ của Hiến Pháp 1946 trở thành hiện thực.
Sau 36 năm thực hiện một mô hình, Đảng có ở khắp nơi, nhân dân đều nhìn thấy, nhưng không có trong lòng họ.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nguyên chủ tịch Ủy ban tranh đấu Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Sonntag, 5. Juni 2011

Insel Mainau

Sau 2 tuần du lịch Châu âu, ThưPhong ghé Stuttgart chơi vài ngày. Chạy theo tour đi dữ quá nên cả 2 thiếu ngủ trầm trọng, nên ở Stuttgart chủ yếu là ngủ. Hehehe. Chỉ đi được đảo hoa Mainau ở Bodensee mặc dù plane đủ thứ, thôi hẹn lần sau nhe, P nói lần sau mướn xe chạy cho đã vì ở Úc ko được phóng nhanh...












Freitag, 3. Juni 2011

Nữ chánh án Jacqueline Nguyễn

Bài này được 1 người quen gửi, đọc xong thấy đã quá, ước gì mình có được 1 chút thông minh bằng cái móng tay của Bà Chánh án này thì hay quá...huhuhu !!!

Chánh án Tòa án liên bang Jacqueline Nguyễn
đã được vinh danh 10 giờ sáng thứ sáu 13 tháng 5, 2011

LOS ANGELES (NV) – Chánh Án Jacqueline Nguyễn vừa được Thị Trưởng Antonio Villaraigosa và HÐTP Los Angeles vinh danh vào lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu, 13 Tháng Năm, trong một buổi lễ tổ chức tại Phòng Thương Mại Los Angeles, nhân dịp Tháng Di Sản Văn Hóa Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, Tòa Liên Bang Central District of California, cho biết.
cid:A3065E2F37BE4F73BB32FDEB9C711C92@Thu
Chánh Án Jacqueline Nguyễn. (Hình: US Court, Central District of California, cung cấp)

Chánh Án Jacqueline Nguyễn được Tổng Thống Barack Obama đề cử vào tòa liên bang hồi Tháng Bảy, 2009. Năm tháng sau, bà được Thượng Viện chuẩn thuận với số phiếu tuyệt đối 97-0, trở thành chánh án gốc Việt đầu tiên trong hệ thống tòa liên bang Hoa Kỳ. Trước đó, bà là chánh án Tòa Thượng Thẩm California ở Los Angeles County.

Sinh ra tại miền Nam Việt Nam, Chánh Án Jacqueline Nguyễn đến Mỹ năm 1975 sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Bà tốt nghiệp cử nhân đại học Occidental College năm 1987, tốt nghiệp luật tại đại học UCLA năm 1991 và hành nghề luật cho tới năm 1995, trước khi trở thành công tố viên tại tòa liên bang Central District of California.


Jacqueline Nguyễn Thẩm phán Liên bang người Việt đầu tiên ở Mỹ

Với 97 phiếu thuận, 0 phiếu chống, ngày 1/12/2009 vừa qua, Thượng Viện Mỹ đã đồng loạt bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm bà Jacqueline Nguyễn làm Thẩm phán Liên bang của Tổng Thống Barack Obama. Với quyết định này, lần đầu tiên một người gốc Việt đã trở thành Thẩm phán Liên bang Mỹ.

Cô gái Việt lam lũ học cùng trường với Obama


Thẩm phán Jacqueline Nguyễn là người sinh ra ở Ðà Lạt, Việt Nam. Năm 1975, khi lên 10 tuổi, Jacqueline Nguyễn cùng gia đình sang Mỹ, và đến sống tại Camp Pendleton, San Diego, rồi chuyển đến thành phố La Crescenta, ngoại ô của Los Angeles. Tại đây, cô bé Jacqueline Nguyễn đã từng trải qua một tuổi thơ cơ cực, khi hằng ngày phải giúp mẹ kiếm sống. Sang Mỹ với hai bàn tay trắng, cha mẹ bà phải làm đủ mọi công việc một lúc để nuôi gia đình. Tuy còn bé, nhưng Jacqueline Nguyễn và các anh chị em đều góp tay phụ giúp bố mẹ sau giờ học và trong khi nghỉ hè những công việc như lao công lau chùi, quét dọn văn phòng nha sĩ, gọt vỏ và cắt táo cho một công ty làm nhân bánh, và sau cùng là bán hàng tại hiệu bánh donut mà cha mẹ bà đã mua lại ở North Hollywood. “Tôi làm rất nhiều việc tại cửa hàng bánh. Trong những năm tôi học đại học, mẹ tôi càng phải làm việc vất vả. Vì vậy vào những ngày cuối tuần, tôi thường về nhà để giúp mẹ”, Thẩm phán Jacqueline Nguyễn nhớ lại.

Vượt qua mọi khó khăn, Jacqueline Nguyễn vẫn vào được trường Occidental College ở Los Angeles, nơi mà Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng theo học trước bà mấy khóa. Tại đây, với sự chăm chỉ và học lực xuất sắc, Jacqueline Nguyễn đã được nhận học bổng trong cả bốn năm học. Ngoài ra, vốn là người có khả năng về văn học, Jacqueline Nguyễn còn làm biên tập cho tạp chí văn học của trường Occidental College. Jacqueline Nguyễn cho biết, bà rất yêu thích hai tác phẩm “The Sound and the Fury” (“Âm thanh và Cuồng nộ”) của William Faulkner và “The Joy Luck Club” (“Phúc Lạc Hội”) của Amy Tan.

Vị Chánh án Tòa Thượng thẩm Los Angeles tận tụy và tài năng
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học Occidental College năm 1987, Jacqueline Nguyễn theo học Luật tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA), và tốt nghiệp luật ở UCLA năm 1991. Ra trường, Jacqueline Nguyễn gia nhập Musick, Peeler & Garrett, một trong những tổ hợp luật sư hàng đầu ở Los Angeles. Bà bắt đầu sự nghiệp pháp lý với công việc xử lý các hồ sơ kiện tụng cho công ty luật này. Năm 1995, sau bốn năm làm việc tại đây, Luật sư Jacqueline Nguyễn chuyển sang làm việc tại văn phòng Biện Lý Liên Bang thuộc quận Trung tâm California (Central District of California), nơi bà trở thành Trưởng Ban Hình Sự (General Crimes Section), và thăng tiến lên chức Giám sát tư pháp của Bộ Tư pháp.

Những người cùng làm việc với Jacqueline Nguyễn đều rất ấn tượng với tác phong luôn bình tĩnh khi gặp sức ép, và luôn sẵn sàng lắng nghe cả hai phía trong cuộc tranh tụng của Luật sư người Việt này. Mỗi khi xử án, Jacqueline Nguyễn không ngại tìm hiểu thật kỹ vụ việc để phiên tòa có thể đi tới quyết định hợp tình hợp lý nhất. Là một người di dân gốc Việt, bà cũng hiểu được sự rắc rối của hệ thống pháp luật đối với dân nhập cư vào Mỹ, và cố gắng giải thích để những người đồng hương khi vào chốn công đường hiểu rõ những gì họ sẽ trải qua.
Với uy tín cao trong công việc, năm 2002, sự nghiệp của Luật sư Jacqueline Nguyễn có bước thăng tiến quan trọng khi Thống đốc California Gray Davis bổ nhiệm bà vào chức Chánh án Tòa Thượng thẩm Los Angeles (Superior Court) chuyên làm việc trong lĩnh vực tài trừ tham nhũng và gian lận ở công quyền. Và Luật sư Jacqueline Nguyễn trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ này ở California. Luật sư Jacqueline Nguyễn còn giữ chức Phó Sở Bài Trừ Tội Ác. Trên cương vị Thẩm phán Tòa thượng thẩm Los Angeles, Luật sư Jacqueline Nguyễn rất nổi tiếng qua những phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, nhất là những nghi phạm khủng bố.

Trở thành Thẩm phán liên bang gốc Việt đầu tiên

Tháng 7/2009, Tổng thống Barack Obama đã đích thân đề cử Luật sư Jacqueline Nguyễn làm Thẩm phán Tòa án Liên bang khu vực Trung California sau khi nhận được đề nghị của Thượng Nghị sĩ Dianne Feinstein.Trước phiên bỏ phiếu của toàn thể các Thượng Nghị sĩ ngày 1/12 vừa qua, Ủy ban Tư pháp Thượng viện cũng đã thông qua người được ông Obama tiến cử với 100% số phiếu.
Với sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp cao nhất nước Mỹ, nữ Luật sư 44 tuổi Jacqueline Nguyễn đã chính thức trở thành Thẩm phán Liên bang khu vực Trung California, gồm các quận hạt Los Angeles, Orange, Riverside, San Bernardino, San Luis Obispo, Santa Barbara và Ventura. Khu vực 17 triệu người này được coi là quận tư pháp liên bang lớn nhất tính theo dân số. Mặc dù từ trước đến nay đã từng có không ít người gốc Việt làm việc trong Hệ thống tư pháp liên bang Mỹ, nhưng Jacqueline Nguyễn là Thẩm phán liên bang gốc Việt đầu tiên được tổng thống bổ nhiệm và Thượng Viện phê chuẩn. Bà Jacqueline Nguyễn cũng là người phụ nữ gốc châu Á-Thái Bình Dương thứ 3 giữ chức vụ này.

Niềm hãnh diện cho cộng đồng

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng Viện, Nghị Sĩ Diane Feinstein đại diện cho California,phát biểu: “Thẩm Phán Nguyễn là vị thẩm phán đã từng kinh qua thử thách và có thành tích vững chắc trong vai trò một thẩm phán và một công tố liên bang.” Theo Hiệp hội Luật gia Mỹ đánh giá bà Nguyễn là người có đầy đủ tư cách và năng lực để đảm nhận chức vụ Thẩm phán của Tòa án Liên bang khu vực Trung California.
Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Correa là một luật sư, tốt nghiệp cùng trường luật UCLA với Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn đã phát biểu: “Tôi rất vui khi nghe tin này và xin chúc mừng Thẩm Phán Nguyễn cùng gia đình và toàn thể cộng đồng người Việt tại Mỹ đã có một người con làm cộng đồng Việt Nam vô cùng hãnh diện. Là một thẩm phán Tòa Án Liên Bang, tôi tin chắc Thẩm Phán Nguyễn sẽ đem theo những kinh nghiệm đời của bà: đó là sự tôn trọng thành tích; sự bảo vệ quyền tự do của tất cả chúng ta; và, một sự quyết tâm mãnh liệt để duy trì công bằng trong tòa án của bà”.
Việc lần đầu tiên một người gốc Việt trở thành Thẩm phán Liên bang đã gây xôn xao trong dư luận báo chí Mỹ. Báo Daily Journal, tờ báo chuyên về pháp luật lớn nhất ở California, đã đăng một bài dài đến ba trang về sự kiện này. Theo Daily Journal, Jacqueline Nguyễn là người được các đồng nghiệp coi là Thẩm phán có “sự kết hợp độc đáo của một tính cách tuyệt vời và đầu óc sắc bén”.
Phát biểu với báo chí, tân Thẩm phán Liên bang Jacqueline Nguyễn cho biết: “Việc trở thành Thẩm phán Liên bang vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Tôi có trách nhiệm với tất cả những người đang dõi theo từng bước chân của tôi”.
Được biết, ngoài công việc của một Thẩm phán Liên bang, bà Jacqueline Nguyễn cũng là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Mỹ – châu Á – Thái Bình Dương. Về đời tư, Thẩm phán Jacqueline Nguyễn có chồng cũng là một trợ lý công tố viên trưởng. Họ đã có một con trai 10 tuổi và con gái 8 tuổi



















Montag, 30. Mai 2011

Chính trị là gì ?

Bài này của bạn trẻ Huỳnh Thục Vy đăng ở Đàn Chim Việt. Ai nói chính trị khô khan khó đọc, bài này rất hay, dễ hiểu. Khen bạn Huỳnh TVy theo cách người Việt ở Đức hay nói " Có tương lai ".


Chính trị là gì?

Huỳnh Thục Vy. Ảnh do tác giả cung cấp.

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi rằng mình có nên tiếp tục viết về đề tài chính trị chăng? Đối với nhiều người , chính trị có vẻ như là một vấn đề quá lớn lao-điều mà thường không dành cho những người còn quá trẻ. Mặc dù có nhiều người chia sẻ với tôi, nhưng cũng không ít người cho rằng tôi không nên đi sâu vào đề tài này vì rằng những gì tôi đã viết có vẻ như không xuất phát từ một cái đầu của con bé hai mươi lăm tuổi. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tự hỏi rằng chính trị có phải chăng là một miền tri thức và lĩnh vực hoạt động chỉ dành cho các chính trị gia chuyên nghiệp hoặc ít ra cũng là dành cho các bậc trưởng thượng?!

1/ Những biểu hiện tiêu cực của chính trị

Lúc nhỏ khi vẫn còn là một cô bé con, trong đầu óc mơ hồ của tôi, chính trị là một cái gì đó rất phức tạp và nguy hiểm, nó làm mỏi trí nghĩ của những người không chuyên và rằng chính trị là ấu trĩ, là phiêu lưu, là cực đoan, là “bẻ gậy chống trời”. Vì cuộc sống của gia đình tôi đã bị đẩy vào tình trạng cực kỳ tồi tệ sau cái bản án “chính trị phạm” mà nhà cầm quyền đã tuyên cho ba tôi. Chính trị là cái gì, làm sao nó tốt đẹp được trong khi người ta dùng nó để đày đọa con người đến chỗ khốn cùng và có thể là đến cái chết?!

Lớn lên chút nữa, tôi mang vào tâm trí ngây thơ của mình những cuộc tranh giành quyền lực, những cuộc đổi thay triều đại đẫm máu trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Trung Hoa và Liên Xô “thành trì xã hội chủ nghĩa” qua những trang sử tan tóc. Tôi thực sự cảm thấy hãi hùng về cái cách mà con người đối xử với nhau nhân danh chính trị .

Chúng ta vẫn nghĩ rằng làm chính trị là mua bán đổi chác (kể cả quê hương đất nước) để thủ lợi cho riêng mình hay cho phe nhóm của mình nhưng lại nhân danh những lý tưởng cao quý….Ví như việc hàng triệu thanh niên thiếu nữ miền Bắc ruột thịt đã được động viên nhân danh ý thức hệ và “lòng yêu nước” của những người cộng sản để rồi tiến vào miền Nam gieo chết chóc tan thương thực tế chỉ để phục vụ cho mưu đồ quyền lực của một nhóm nhỏ người lãnh đạo….Trong cái trí nghĩ non nớt của tôi và có lẽ cũng là của biết bao bạn trẻ khác đầy cảm giác sợ hãi và ghê tớm chính trị.

Trong chương trình đại học, chúng tôi được dạy rằng Nhà nước ra đời từ một xã hội có các giai cấp mâu thuẫn đối kháng nhau, là một tổ chức đặc biệt do giai cấp thống trị sử dụng để tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp mình.Và rằng chính trị là hoạt động liên quan đến quyền lợi giai cấp, dân tộc, quốc gia và xoay quanh một vấn đề trung tâm là giành, giữ và sử dụng quyền lực Nhà nước. Từ những hiểu biết đó, bao thanh niên Việt Nam thường có cảm giác bất an khi đề cập đến chính trị, đến nỗi nếu có ai đó muốn khẳng định mình “tốt đẹp” thì người đó phải chứng minh rằng mình không quan tâm, không dính dáng gì đến chính trị vì chính trị là hoạt động của những kẻ đầy dã tâm, là “kẻ thù giai cấp”.

Và gần đây những vụ án chính trị xảy ra liên tiếp ở Việt Nam trong giai đoạn từ khi bắt đầu thế kỷ 21 đến nay mà nhà cầm quyền sử dụng hết công suất những phương tiện truyền thông đại chúng để bêu riếu, hạ nhục những con người yêu nước, tô vẽ họ như những nhân vật “bất hảo”, kẻ thù của dân tộc như Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị công Nhân. Nhà cầm quyền Việt Nam với những ưu thế của mình (một thứ ưu thế bất công) đã chụp lên đầu những nhà hoạt động dân chủ này những tên gọi khủng khiếp làm cho những ai thiếu thông tin (nhất là những người trẻ ) hoảng sợ, và không ít người có một cái nhìn ngờ vực, khó hiểu về những con người cao quý này; làm cho họ hoài nghi không dám tin vào bất cứ điều gì cao đẹp.

Từ cuối năm 2010 đến nay, nhà cầm quyền VN siết chặt vong kiềm tỏa đối với trang mạng xã hội Facebook, vậy là nhiều người đã lên tiếng đỗ lỗi cho những ai bàn đến vấn đề chính trị: “Nếu các người không bàn đến chính trị thì sao người ta phải chặn Facebook, làm ảnh hưởng đến cả chúng tôi?” Và rằng mỗi khi có ai bức xúc lên tiếng chỉ trích, phê phán nhà cầm quyền thì liền bị cho là “những kẻ ăn khoai lang mà bàn chuyện quốc gia đại sự”. Chúng ta nhận thấy rõ ràng một sự từ chối thẳng thừng từ đại đa số người dân đối với vấn đề chính trị. Nó trở thành vấn đề nhạy cảm không chỉ bởi khi đề cập đến nó anh sẽ “khó sống” mà còn bởi người ta muốn khẳng định mình là người con người trong sáng, bình dị, đợn giản và không có tham vọng.Tôi từng nghe nhiều người bạn nói không thích chính trị vì chính trị là xảo trá và chính trị gia là những kẻ khốn nạn.

Hôm nay, tôi viết bài này mong đưa ra một vài ý kiến khã dĩ để ủng hộ cho chính trị (kể cả những người hoạt động chính trị của các tổ chức ,đảng phái và những người chỉ có bày tỏ một thái độ chính trị) trước sự chối bỏ của mọi người và cũng nhằm tạo sự chính danh và một căn bản đạo đức cho những ai đã, đang và sẽ bàn luận và hoạt động về chính trị.

2/ Hai quan điểm lý luận khác nhau về chính trị

Từ “chính trị” có lẽ được nhắc đến lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại bởi Aristotle-một triết gia Hi Lạp cổ đại, đặc biệt nó còn là tựa đề cho một tác phẩm nổi tiếng và nhiều ảnh hưởng của ông –cuốn “Politics” (Chính trị luận). Tuy nhiên từ “Chính trị” và các vấn đề chính trị cơ bản như quyền lực và tổ chức nhà nước đã được tiếp cận bởi các triết gia khác như Khổng Tử, Plato….Dù Aristotle đã khẳng định con người là động vật chính trị, mọi công dân có đạo đức (không có nô lệ và phụ nữ) đều có quyền tham gia chính trị, nhưng một điểm chung lớn trong lý luận của các triết gia cổ đại này là quyền lực chính trị tốt nhất nên được nắm giữ bởi những ông vua thông thái! Vì thế chính trị ở đây có nghĩa là nghệ thuật cai trị và quản lý thành bang của một nhà lãnh đạo lỗi lạc, xuất chúng hay là Khoa học giành và nắm giữ vương quyền cha truyền con nối trong thiên hạ. Dưới nhãn quan này đại bộ phận dân chúng bị gạt ra bên lề của các cuộc chơi chính trị. Rồi khi có được quyền lực trong tay những kẻ cầm quyền đã tạo nên bao nhiêu sự tha hóa, mục ruỗng trong bộ máy lãnh đạo và bao nhiêu vấn nạn quốc gia mà hậu quả của tất cả vấn đề này đổ cả lên đầu người dân.Từ đó mặc nhiên chính trị được hiểu như một thứ xấu xa, là đặc quyền của kẻ thống trị, đối kháng với lợi ích và cuộc sống bình dị của người dân.

Nhưng nền văn minh nhân loại đã bước qua một trang mới hoàn toàn khác, cùng với sự ra đời của nhiều luận thuyết cổ vũ cho chủ nghĩa tự do. Mà một sự cổ vũ to lớn cho lý tưởng này là sự ra đời của một nhà nước hiến pháp đầu tiên trên thế giới-Nhà nước Mỹ. Từ đây cả thế giới làm quen với một lý thuyết hoàn toàn mới về nguồn gốc và bản chất của Nhà nước, rằng nhà nước không phải là một thế lực thống trị xã hội mà chính là một tổ chức quyền lực công, được người dân trao cho quyền lực để đổi lại họ được sống dưới sự bảo vệ của Nhà nước và một trật tự luật pháp do Nhà nước ban hành (luật pháp không trái với đạo đức và luân lý); và rằng quyền lực chính trị đó không thể là quyền lực tuyệt đối vì “quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton ). Dưới nhãn quan triết học này, quyền lực chính trị xuất phát từ dân chúng, nó được tạo lập để phục vụ xã hội. Chính trị là nghệ thuật hay khoa học vận hành và quản lý xã hội bằng quyền lực Nhà nước nhưng nó phải bị hạn chế bằng luật pháp và được giám sát bởi người dân thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo. Như vậy người dân mọi thành phần có đủ tư cách để tham gia gián tiếp vào nền chính trị quốc gia bằng những hoạt động xã hội cụ thể của mình; quyền tự do báo chí cho phép người dân phát biểu quan điểm của mình đối với tất cả các vấn đề của quốc gia; hơn nữa mọi công dân đủ tiểu chuẩn pháp quy đều có khả năng tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước một cách trực tiếp. Từ nay chính trị chẳng còn là vương quyền cha truyền con nối, cũng chẳng còn là đặc quyền của những người thuộc tầng lớp quý tộc.

3/Thái độ và hành động của chúng ta

Chúng ta đã từng gán ghép cho chính trị những đặc tính tiêu cực. Chính trị chỉ là một thiết chế do con người tạo ra. Con người không hoàn hảo và đặc biệt là luôn tư lợi nên quyền lực chính trị luôn dễ bị lạm dụng. Xa lánh và căm ghét chính trị không phải là thái độ tích cực, chúng ta cần thiết nhận ra rằng điều duy nhất chúng ta có thể làm được đó là tạo lập một cơ chế vận hành mà ở đó người lãnh đạo dù chẳng phải là con chiên ngoan đạo của Chúa Jesus, cũng không phải là một tín đồ Phật giáo thuần thành thì anh ta cũng không dám làm những việc đi ngược với lợi ích nhân dân.

Đến nay, lý tưởng tự do dân chủ đã trở thành một giá trị phổ quát toàn cầu. Vì những giá trị lý luận và thực tiễn không thể chối bỏ của nó trong hệ thống chính trị quốc gia nói riêng và trong việc thăng tiến nền văn minh nhân loại nói chung, ngày nay khắp thế giới người ta tung hô nó, nhân danh nó. Ngay cả những tên độc tài cũng cố gắng tổ chức những cuộc bầu cử hoành tráng. Bởi sự thắng thế của quan điểm triết học theo chủ nghĩa tự do như đã nói trên, nên dù có lý luận thế nào chúng ta cũng không thể phủ nhận sự cần thiết và chính danh của việc tham gia vào sinh hoạt chính trị của mọi tầng lớp nhân dân.Tôi trao quyền cho anh thì tôi phải có quyền kiểm soát anh, tôi phải được biết anh làm gì và làm như thế nào với quyền lực đó. Còn nếu như anh nói anh đã cướp được chính quyền từ tay ngoại bang thì anh muốn hành xử thế nào cũng được thì chính anh đã khẳng định mình là một tên cướp. Chúng ta-những người dân thường trao quyền cho họ rồi cứ để họ làm gì thì làm, chà đạp lên quyền làm chủ, phủ nhận quyền tự do và phẩm giá của chúng ta thì chúng ta có khác gì những người nô lệ bán mình vô điều kiện cho chủ nô?!

Từ lúc sinh ra, cuộc sống của chúng ta đã được định hình, chúng ta mặc nhiên nhận lãnh vào mình một phần trách nhiệm đối với quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Chúng ta khép mình vào một trật tự chung của xã hội. Tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính trị. Bạn nghĩ là bạn tảng lờ đi thì chính trị nó không chạm được vào cuộc sống của ban sao? Dù bạn có ý thức được hay không, có chấp nhận hay không, khi bạn là một thành viên của một cộng đồng người sống dưới sự cai quản của một tổ chức mang quyền lực Nhà nước thì tất tần tật mọi thứ trong cuộc sống của bạn không thể tránh khỏi ảnh hưởng của nền chính trị. Vì thế cứ lặng im, mặc cho kẻ cầm quyền lộng hành chính là chúng ta đã “giao trứng cho ác”, chúng ta đã tự nguyện khoán trắng cuộc sống và tương lai của chúng ta cho những kẻ chẳng ra gì. Vậy chúng ta đã thật sự làm chủ và có trách nhiệm đối với chính cuộc sống chúng ta chưa?! Trong bài này, tôi không muốn nhân danh Tổ quốc, dân tộc nữa, tôi muốn nhân danh cuộc sống của chính tôi để khẳng định rằng tôi và mọi người dân Việt Nam có quyền tham gia chính trị, không phải để trở thành ông nọ bà kia mà để đảm bảo cho xã hội phát triển theo xu hướng tích cực vì lợi ích trước mắt và lâu dài của tất cả chúng ta, để ngăn chặn kẻ cầm quyền không đưa cả dân tộc trong đó có chúng ta đến bờ vực. Chúng ta có tư cách để ít nhất là có thể bàn về chính trị nhằm mưu cầu một cuộc sống tự do, sung túc và an ninh với tất cả phẩm giá con người.

Thay cho lời kết, tôi muốn nhắn nhủ rằng nếu bạn chối bỏ chính trị rồi có ngày bạn sẽ hối hận vì điều đó. Nếu bạn không sợ hãi, không lo lắng cho an ninh của bản thân và gia đình thì mọi lúc mọi nơi bạn luôn có thể bàn về chính trị với một sự tự tin rằng bạn là chủ thể của quyền lực Nhà nước, bạn tham gia bàn bạc và thực hiện các quyền chính trị là để thúc đẩy tiến bộ và phúc lợi xã hội. Đừng sợ hãi trước những cáo buộc của người khác rằng chính trị không dành cho bạn và chính trị là khốn nạn hay nghiêm trọng hơn là ”phản động”.Thực hiện các quyền chính trị tức là bạn đã làm trách nhiệm công dân; phơi bày và phê phán những xấu xa của nhà cầm quyền là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm; lên tiếng cổ vũ cho tự do dân chủ là một hành vi cụ thể của lòng yêu nước.

© Huỳnh Thục Vy

© Đàn Chim Việt

Dienstag, 5. April 2011

Phiên tòa Cù Huy Hà Vũ kết thúc nhanh bất ngờ (Copi từ blog Nguyễn Trọng Tạo)

Tổng hợp

Tòa tuyên án


Sáng 4.4.2011, dân chúng kéo đến Tòa án thành phố Hà Nội quá đông khiến lực lượng CA, CSCĐ phải ngăn chặn các ngả đường và bắt đi nhiều người. Nhưng hàng trăm người vẫn tụ tập quanh Tòa để mong ngóng phiên “xử công khai” mà không mấy ai được vào phòng xử án.

Có thể nói, đây là một phiên tòa lịch sử, chấp nhận 4 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp choTS Cù Huy Hà Vũ, nhưng trước khi tranh tụng, cả 4 luật sư đã tuyên bố ngưng tham gia, do những đòi hỏi của họ liên quan tới điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự, yêu cầu Tòa cung cấp cho ông Vũ tất cả 10 tài liệu liên quan tới cáo trạng nhằm buộc tội ông Vũ, để các LS thẩm vấn ông, nhưng đã không được Tòa chấp nhận. Ngay bị cáo cũng không tự bào chữa cho mình.

Vì vậy, nó được kết thúc nhanh bất ngờ vào đầu giờ chiều với lời tuyên của HĐXX: Phạt TS Cù Huy hà Vũ 7 năm tù giam + 3 năm quản chế.

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là người duy nhất của gia đình được vào dự. Dưới đây là lời LS Dương Hà trả lời đài RFI sau phiên tòa:

«Đây là một vụ án được dựng lên để chống lại ông Cù Huy Hà Vũ, như chính ông Cù Huy Hà Vũ đã nói tại phiên tòa. Với một bản án đã dựng nên, ngay từ đầu đến cuối, tất cả các chứng cứ đều do họ sắp đặt ra. Vì sự sắp đặt này cho nên tất cả những gì chứng cứ được thu thập đều hoàn toàn bất hợp pháp. Chứng cứ này hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp lý.

Trong phiên tòa, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính đã không làm đúng bổn phận của người chủ tọa phiên tòa. Theo điều 214, ông Nguyễn Hữu Chính phải công bố những chứng cứ mà các luật sư đã đòi hỏi. Thế nhưng, ông ấy đã không làm điều đó. Đầu tiên là chủ tọa phiên tòa đã đuổi luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi phiên tòa, chỉ vì luật sư Hải đòi ông này phải thực hiện điều 214. Sau đó, các luật sư Hà Huy Sơn, Trần Đình Triển và Vương Thị Thanh cũng kiên quyết đòi ông Nguyễn Hữu Chính thi hành điều 214 của Luật Tố tụng Hình sự.

Người chủ tọa phiên tòa cũng kiên quyết không thì hành điều khoản này, cho nên tất cả các luật sư cũng bỏ về hết. Một mình ông Cù Huy Hà Vũ ở lại tòa. Tất nhiên là bị ở lại tòa để nghe hội đồng xét xử. Phiên tòa hoàn toàn trái pháp luật, bởi vì khi ông Vũ nói, là thẩm phán bảo «Dừng lại, dừng lại !», «Biết rồi !». Họ bảo ông Vũ trả lời là «Có» hay «Không», hoặc không cho ông Vũ trình bày. Cuối cùng, tòa đã tuyên một bản án trái pháp luật là 7 năm tù, trong lúc ông Cù Huy Hà Vũ không được quyền tự bảo vệ mình. Nhưng ông Vũ đã tuyên bố một câu cuối cùng, cho dù không được quyền phát biểu : «Tổ Quốc và Nhân Dân Việt Nam sẽ phá án cho tôi, công dân Cù Huy Hà Vũ».

Bên trong tòa án, gần như hoàn toàn là người của công an. Nếu có vài người được mời thì tôi chắc là người được chọn lựa để được vào ngồi trong phiên tòa. Đây không phải là một tòa án công khai như đã được tuyên bố khi phiên tòa vừa mở ra.

Bản thân tôi, vợ của Cù Huy Hà Vũ, tôi là người duy nhất trong gia đình được có mặt trong phiên xử hôm nay. Cả dòng tộc nội, ngoại, Cù Huy hay Ngô Xuân, không một ai được phép vào dự phiên xử gọi là công khai. Đây là điều hoàn toàn vi phạm về tố tụng. Bản thân tôi ngồi trong phiên tòa cũng có một cô đeo biển số 47. Cô này tự nhận là công an được trao nhiệm vụ giám sát tôi. Tôi có nói với cô ấy rằng : «Tôi có phải là phạm nhân đâu mà giám sát tôi ?». Tôi muốn nói rằng, động vào chỗ nào là chỗ ấy là vi phạm về tố tụng, vi phạm pháp luật».

Niềm hy vọng gửi phiên tòa Cù Huy Hà Vũ

Nguyễn Trọng Tạo
4.4.2011 Tòa Hà Nội xét xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Người ngành Luật xử người ngành Luật. Nếu cùng hiểu Luật như nhau thì sao nhỉ?

Tôi nghĩ người ngành Luật chắc phải hiểu Luật như nhau. Vì Luật chỉ có Một.

Và nếu người xử đúng Luật thì người kia sai Luật. Ngược lại, người bị xử đúng Luật thì người xử sai Luật.

Nhưng phiên Tòa đang bắt đầu. Và tôi muốn gửi một niềm hy vọng tới cả 2: Cùng hiểu Luật như nhau.

Phải nói ngay rằng, cái vụ đưa Ts. luật Cù Huy Hà Vũ ra Tòa quá ư là phức tạp. Phức tạp ở chỗ có nhiều luồng nhận thức và dư luận khác nhau. Công an điều tra, viện Kiểm sát đều khép tội TS. luật Cù Huy Hà Vũ “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Công luận trong nước và quốc tế cũng như gia đình Cù Huy Hà Vũ lại cho rằng anh không phạm Luật.

Theo thông tin được công bố thì có 600 chữ ký trong và ngoài nước vào “Thỉnh nguyện thư” của gia đình bị cáo yêu cầu “giải oan và trả tự do cho Ts. Cù Huy Hà Vũ”, trong đó có cả chữ ký của nhiều tướng lĩnh cao cấp trong quân đội NDVN như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh… Những vị này tôi đã có dịp gặp, và tôi biết họ rất trung thành với tư tưởng nhân đạo của Bác Hồ (họ mãi mãi là “bộ đội Cụ Hồ”). Và họ có cách nhìn nhận theo đúng quan điểm trung thành của họ. Tôi đã từng gửi niềm tin vào họ (vì tôi cũng từng là “bộ đội Cụ Hồ”), và tôi vẫn còn gửi niềm tin vào họ, những người mãi mãi vì dân vì nước.

Chiều nay, ngồi trò chuyện với một vị Cựu Bộ trưởng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, hiện đang trong ban cố vấn của Chính phủ về “vụ Cù Huy Hà Vũ”, tôi ngạc nhiên nghe ông nói: “Vớ vẩn”. Hai từ “Vớ vẩn” phát ra từ ông như chả cần phải suy nghĩ gì nhiều, hay là ông đã suy nghĩ quá kỹ rồi? Tôi cũng không muốn hỏi gì thêm về ý kiến đó của ông, bởi vì tôi đã chuyển từ trạng thái ngạc nhiên sang trạng thái ngược lại – chả cần ngạc nhiên gì. Bởi với ông, nó là thế – “Vớ vẩn”.

Cũng cần nói thêm, ông Cựu Bộ trưởng là một người rất nổi tiếng, mấy năm trước đã từng được khán giả Truyền hình VN bầu làm nhân vật xuất sắc trong năm.

Tôi hy vọng những nhân vật trên không sai.

Nhưng nếu Tòa kết án Ts. luật Cù Huy Hà Vũ phạm trọng tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, thì, các vị ấy trở thành đồng lõa với bị cáo? Đồng lõa với tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”???

Riêng tôi, thiển nghĩ rằng, dân trí Luật của người dân VN chưa thực sự cao so với các nước tiên tiến về Luật pháp như Đức, Anh, Phap hay Mỹ… Tất nhiên, vì lịch sử ngành Luật thì ta phải đi học họ, thậm chí anh học Luật ở Đức thường “tự hào” hơn anh học luật ở Nga. Việc kiện Ủy ban một tỉnh hay kiện Thủ tướng thì ở ta mới chỉ có Cu Huy Hà Vũ làm. Làm vì anh là Ts. luật, anh hiểu là “được phép”. Điều đó làm nhiều người ngỡ ngàng, nhưng cuối cùng lại hiểu ra cái thứ “được phép” ấy. Vậy là dân trí luật được mở. Có thể coi đó là một đóng góp của Cù Huy Hà Vũ cho sự tiến bộ của dân trí luật VN. Đóng góp cho sự tiến bộ, nếu không thưởng cũng nên cám ơn. Những ý kiến của Cù Huy Hà Vũ công dân, dù sai hay đúng cũng nên ghi nhận và suy xét đã, vì nếu chúng ta biết sai đúng cả rồi thi chả cần ai góp ý làm gì. Sự góp ý hay nhận định của cá nhân không bao giờ là của tất cả, và càng không phải là điều kiện tiên quyết để buộc thể chế phải thực hiện khi thể chế có quyền không/chưa chấp nhận nó. Vậy thì gửi một lời Cám ơn cũng không thừa. Bao giờ chúng ta làm được một ứng xử lịch sự với công dân nhiệt tâm với đất nước, lúc đó chúng ta biểu thị một văn hóa trọng thị hay tín phục. Nhưng…

Nhưng nghe nói Ts. luật Cù Huy Hà Vũ trọng tội. Có thể thay đổi một tư duy khác được không? Tôi nghĩ, công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng vẫn còn tiếp diễn, và, chắc chắn tư duy vẫn tiếp tục đổi mới trong quy luật phát triển của xã hội bất phân đông tây ngày nay. Cũng như vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa… rồi chúng ta cũng sẽ phải tiếp tục công khai hóa quan điểm chủ quyền như một hệ trọng của đất nước. Ngay trên mặt báo chính thống gần đây đã thể hiện sự “đổi mới” về vấn đề này.

Cù Huy Hà Vũ cũng đã đặt trọng vấn đề chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa. Coi trọng chủ quyền lãnh thổ đất nước không bao giờ là có tội.

Tôi không nghĩ Ts. luật Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn đúng, nhưng cái tinh thần, cái bầu máu nóng của anh với đất nước, với dân chủ thì chả có gì phải nghi ngờ, và chả có gì đáng lo ngại.

Chính vì vậy, cũng như các vị tướng lĩnh hay các nhà lãnh đạo nói trên, tôi muốn gửi một niềm hy vọng nhỏ nhoi tới phiên tòa 4.4 – phiên tòa Cù Huy Hà Vũ.

Hà Nội, trước phiên tòa CHHV, 3.4.2011